HƯƠNG VỊ SUFI
Hương Vị SuFi
Chuyện kể rằng có một nhóm thanh niên du mục Bedouin ngang tàng, phi ngựa như gió cuốn trong sa mạc cùng với tộc trưởng của họ, người này vừa là một lãnh tụ tài ba mà cũng là một vị thông thạo kinh điển. Nhóm người đi tới một dinh thự rộng lớn hoang phế, các thanh niên cỡi ngựa đi qua những phòng ốc bỏ không, lấy tay bẻ mảnh xi măng hay gạch tường phòng đưa lên mũi ngửi, thi nhau đoán là thợ đã trộn mùi hương gì vào hồ lúc xây cất. Một người nói:
– Hồ có trộn dầu hoa hồng và dầu hoa cam !
Người khác reo lên:
– Vữa này có mùi hoa lài, thơm biết mấy !
Vị tộc trưởng đứng riêng một chỗ không nói gì. Khi các thanh niên đã cỡi ngựa thăm thú hết những gian phòng, ngửi ra tất cả hương thơm khác biệt của hồ tô tường trong dinh thự bỏ hoang, họ hỏi ông;
– Tộc trưởng thích mùi hương nào nhất ?
Ông mỉm cười, nghiêng mình thật xa ra ngoài cửa sổ dinh thự vào gió lộng của sa mạc hoang vu, đưa hai tay ra khoảng không và khum lại. Tộc trưởng giơ hai tay khum đó về phía các thanh niên rồi nói:
– Ngửi đi ! Hương tuyệt vời nhất trong tất cả các mùi là hương sa mạc, vì nó không có mùi gì cả.
Sa mạc có tính chất làm người ta nhớ đến phái thần bí Sufi của Hồi giáo, nó là cảnh hoang vu mênh mang, có vẻ đẹp bí ẩn và sự cô tịch trống không cùng lẫn nét tĩnh mịch, thanh khiết. Trong sa mạc bạn lập tức cảm thấy mình tan biến mà lại sống động hoàn toàn, thấy mình có trong tất cả những vật chung quanh, trên đầu, trong cát như thể bạn đã trở thành cát trải dài từ chân trời này đến chân trời kia, thành bầu trời mênh mông, trống trãi, tĩnh lặng. Nó gợi nhớ lời trong kinh Koran: Tất cả đều hư hoại chỉ trừ Thiên nhan. Sa mạc là gương của Thượng đế, là cái gương cuối cùng trong đó con người thấy được cái không của mình và sự vinh quang tuyệt đối của người trong Thượng đế. Người Sufi dành đời mình ngắm nhìn vào tấm gương của sa mạc, áp dụng nét thanh khiết, sự rực rỡ, hùng mạnh của sa mạc vào đời mình. Cuộc đời của những triết gia Sufi đáng kính nhất, hay thi sĩ Sufi tài ba nhất, cho ta cảm nhận được cái mà vị tộc trưởng trong chuyện gọi là hương vị đẹp đẽ hơn hết thảy, cái hương vị của sa mạc, hương thơm của cái không, sự ngọt ngào ngất ngây của Thực Tại làm say đắm hồn người, vừa là tất cả mọi điều mà cùng lúc vừa là cái không.
Với một số người, câu chuyện của nhóm kỵ mã Bedouin có ý nghĩa thật rõ ràng, dinh thự bỏ hoang là thế giới này với tất cả trò hí lộng, ham muốn và mơ tưởng trong đời. Mỗi điều này sinh ra từ dục vọng còn lưu lại dấu vết. Tất cả niềm hoan lạc của thế giới dù đep đẽ thế mấy đều chỉ là thoảng qua, và không thể giữ cho tồn tại lâu dài. Mùi hương vĩnh viễn là cái không có mùi gì của Thượng đế, chính trong mùi này có chứa đựng sự hiểu biết, an lạc và say đắm ngất hồn. Đó là mùi hương mà tất cả nhà thần bí mystic tìm kiếm, vì họ biết nó làm họ đắm đuối mê man với đấng Kính Yêu, thu hút khiến họ nhận thức rằng bản chất mình hòa tan trong Ngài. Và một khi bạn ngửi được hương thơm ấy, cuộc đời bạn tan nát vì nay bạn ý thức là không có gì khác có thể thơm ngát bằng và trọn con người bạn luôn tương tư mơ ước nó.
Nay nếu bạn lắng nghe một câu chuyện khác và nối kết với chuyện trên, thì bạn có thể nghe được nguyên vẹn khúc nhạc Sufi về tình yêu. Chuyện kể rằng có một vị hoàng đế rất thương mến người nô lệ của ngài, và người này cũng yêu hoàng đế giống vậy. tuy nhiên để biết chắc về tình thương của người nô lệ, hoàng đế mới ra lệnh chất đầy ngọc ngà, châu báu, những vật quí giá nhất đời, bằng khoán dinh thự để trong những túi nạm kim cương, chật cả mười gian phòng lớn trong cung điện. Đâu đó xong hoàng đế liền cho gọi các quan trong triều, tôi tớ, nô lệ đến trước bệ rồng và phán:
– Các khanh đã hết lòng với trẫm bao năm qua, để thưởng công các khanh được quyền lấy bất cứ món gì trong các phòng đây.
Ai nấy đua chen bốc hốt nhưng người nô lệ đứng yên một chỗ lặng thinh không nhúc nhích, mắt không rời hoàng đế. Khi mọi người lấy hết sạch của cải và kéo nhau về, cung điện hóa vắng vẻ chỉ còn lại người nô lệ và vị hoàng đế, ngài hỏi.
– Khanh muốn gì ? Khanh có thể có được bất cứ vật gì trong kho tàng của ta, chỉ cần nói là có.
Nhưng người nô lệ đáp:
– Thần không muốn vật gì, chỉ muốn được hầu kề cận thấy dung nhan hoàng đế.
Và đó là điều mà người Sufi thực sự mong ước, muốn Thượng đế và không muốn gì khác, hay của nhà khoa học chỉ khao khát chân lý, hiểu biết và chẳng màng điều gì ngoài sự thật.
Để ngửi được hương thơm của sa mạc, bạn cần học cách yêu thương như người nô lệ yêu quí hoàng đế. Sufi có thể được định nghĩa một cách giản dị là phần thần bí của Hồi giáo, minh triết cổ thời của cái tâm, hay là tâm pháp. Nó có trước Hồi giáo, giống như sự Vĩnh cửu có trước thời gian. Nó luôn luôn có đó ngay từ thuở đầu khi con người sùng bái Thượng đế, nó là minh triết sinh ra khoa học của tình thương, cái khoa học chính xác như khoa học của trí tuệ mà nhiều tính thiện hơn. Qua bao thế kỷ khoa học này trở thành khôn khéo thêm lên về việc khám phá các bí ẩn của cái Vô Cùng.
Con đường thần bí của phái Sufi là con đường trong sa mạc mà dân du mục Bedouin đi theo, từ ốc đảo này tới ốc đảo khác không sai chạy. Con đường ấy không có mốc cho mọi người thấy như bảng hiệu chỉ đường trên xa lộ, và nó cũng không lộ rõ mà vô hình, nhưng nó nằm sẵn đó cho ai biết để theo. Để tìm đường trong sa mạc không lối, bạn cần biết rành rẽ khu vực và người Sufi là kẻ thuộc nằm lòng vùng ấy. Họ giảng giải cho ta với tư cách của người yêu quí Thượng đế thiết tha, dạy cho ta rõ tình thương đòi hỏi ta điều gì, tả lại nét vinh quang của Đấng ta tôn thờ, sự rực rỡ của con đường dẫn tới Ngài, và cuộc sống thực vĩ đại ra sao qua những đau khổ và hoan lạc của đời.
Đa số các nhân vật Sufi giỏi dang nhất là người nam và người nữ sống giữa cuộc đời, dùng những va chạm, sợ hãi, căng thẳng của sự sống trong thế giới để khiến tình thương của họ sâu đậm thêm. Lý tưởng cao cả của phái Sufi không phải là xuất thế xa lánh đời, mà là sống với sự an lạc trong tâm, chân lý, vững lòng tin vào thiêng liêng và chọn con đường phụng sự mọi người mọi vật.
Tánh không mà phái Sufi quí chuộng cũng là điều được các triết lý khác nhìn nhận và khuyến khích. Đạo Đức kinh nói đến công dụng của khoảng trống, thí dụ cái tách, cái nồi là vật hữu dụng vì có khỏang trống, bánh xe thời xưa và thời nay đều có khoảng trống, và lúc nào công dụng của một kiến trúc cũng là cách nó sử dụng không gian khéo léo ra sao. Để dạỵ về sự cần thiết của tánh không đối với trí não, thiền sư chế nước vào tách và chế mãi, mặc cho tách đã đầy và nước tràn ra. Khi khách ngạc nhiên hỏi thì thiền sư đáp:
– Làm sao tôi có thể chỉ dạy nhận thức, khi trí não bạn không trống vắng mà còn chứa đầy thành kiến cũ ?
Tách nước đầy thì không sao tiếp nhận được chuyện gì mới mẻ khác, trong thế kỷ trước tên tựa sách Freedom from the Known của Krishnamurti nhắc nhở lại điều này, người ta cần giải trừ mọi kiến thức hay cái đã biết, để tâm hồn trở lại như tờ giấy trắng thì mới ghi nhận đúng đắn ý nghĩa sự vật. Chuyện dễ hiểu là khi vạch phấn mầu lên tờ giấy đen, vàng, xanh hay tím thì mắt ta bị ảnh hưởng, không còn nhận ra đúng màu phấn vì màu của tờ giấy làm biến đổi ít nhiều màu phấn. Tánh Không này không phải là không đối với có, mà bao trùm cả cái không và cái có, tức so sánh nhị nguyên trở thành nhất nguyên không còn đối đãi phân biệt, nhìn mọi việc đúng như nó là mà không bị chi phối về cái đã biết, thấy và cảm như lần đầu tiên thấy, cảm, mà không phải là đã kinh nghiệm bao lần.
Một câu chuyện nói rõ ý trên là có lần Krishnamurti đến nhà người hâm mộ ông, trong câu chuyện chủ nhân hỏi:
– Ông đi nhiều nơi, ngụ nhiều chỗ, chỗ nào làm ông vừa ý nhất ?
Krishnamurti đáp:
– Chỗ này, nhà của bạn.
Nó muốn nói ông sống trong hiện tại và nơi đây đáng kể với ông. Ông không so sánh nó với bao chỗ đã biết, thấy an nhiên phút này nên do đó sung sướng nhất.
Đi xa hơn, tâm linh khi hướng vào vật là còn bị giới hạn và chưa thể hiểu được Thượng đế là cái tuyệt đối, vô cùng. Tánh Không là Thượng đế, vì chỉ có tánh không mới mở rộng vô hạn chứa đựng được mọi điều mà tự nó không là gì cả. Tây phương có giải thích sai lầm về cõi Niết bàn là trạng thái tiêu tán (Nothing), nhưng khi ý thức về tánh Không thì ta hiểu rằng đó là tâm thức không còn trụ vào vật (No thing), không bị giới hạn mà tràn lan trùm khắp.
Trong thiền, tánh Không được thấy qua việc người thực tập ban đầu thiền có đề tài, nhưng dần dần được khuyên là nên bước tới việc thiền không có đề tài. Khởi sự cái trí tập có tĩnh lặng và quan sát sự tĩnh lặng ấy, để rồi chính nó trở thành sự tĩnh lặng, hay sự sống, cái Không mà chứa đựng tất cả.
Sufi rất thực tế. Chuyện kể rằng có hai thánh nhân nam nữ tu luyện được phép thuật cao cường, thấy bạn ngồi bên kia sông vị nam muốn tỏ bản lãnh của mình, liền thẩy tấm thảm qua sông đến trước mặt bạn và nói:
– Lên thảm mau, thảm sẽ đưa bạn qua sông đến với tôi.
Vị nữ thản nhiên ngồi yên rồi bay lên không gọi xuống vị nam:
– Anh lên đây cho vui.
Vị nam công lực chưa thâm hậu nên ngồi dưới đất ngó lên. Vị nữ tiếp :
– Chuyện anh làm thì cá cũng làm được, cái tôi làm thì con ruồi cũng làm được, nhưng công việc chân thực nằm ngoài những trò này. Cái duy nhất cần làm là thực hiện chuyện ấy.
Tánh Không không làm con người quên đi cuộc sống hàng ngày, mà làm họ sống trọn vẹn, sát thực hơn.
Perfume of the desert
Andrew Harvey